Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Tìm hiểu về phẫu thuật thay khớp háng toàn bộ



Phẫu thuật thay khớp háng là một lựa chọn giúp người bệnh đỡ đau đớn và sinh hoạt bình thường trở lại.

Phẫu thuật thay khớp háng được chỉ định khi có tổn thương khớp háng về mặt giải phẫu nặng nề ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của bệnh nhân. Các bệnh lý chính được chỉ định là: thoái hoá khớp háng, hoại tử chỏm xương đùi vô khuẩn, gãy cổ xương đùi ở người già. Bản chất của phẫu thuật này là thay thế phần khớp háng bị tổn thương bằng khớp nhân tạo. Kết quả của phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó sự phối hợp giữa bệnh nhân và bác sỹ rất quan trọng. Việc hiểu rõ các bước của quá trình phẫu thuật giúp bệnh nhân có sự phối hợp tốt hơn với bác sỹ trong quá trình điều trị.

Sau khi rạch da và bóc tách phần mềm, quá trình thay khớp háng gồm các bước cơ bản sau:

Bước 1: Cắt bỏ phần xương và sụn khớp của xương đùi bị tổn thương. Các bác sỹ sẽ cắt bỏ phần chỏm và cổ xương đùi đến gần nền cổ xương đùi.

Bước 2: Phần sụn khớp bị tổn thương của hõm khớp sẽ được làm sạch. Hõm khớp sẽ được chuẩn bị để phù hợp với kích thước của hõm khớp nhân tạo được lựa chọn.

Bước 3: Đặt hõm khớp nhân tạo. Hõm khớp nhân tạo sẽ được đặt vào ổ khớp đã được chuẩn bị và cố định. Hõm khớp nhân tạo sẽ được cố định bằng ximăng sinh học( nếu khớp nhân tạo có xi măng) hoặc bằng các vít cố định( nếu bộ khớp nhân tạo không xi măng).

Bước 4: Sửa soạn ống tuỷ xương đùi. Việc sửa soạn ống tuỷ xương đùi rất quan trọng, đảm bảo việc liên kết giữa phần chuôi của bộ khớp háng nhân tạo và xương đùi có thể được liên kết tốt.

Bước 5: Đặt chuôi khớp nhân tạo. Chuôi khớp sẽ được đặt vào trong ống tuỷ và được cố định. Nếu là bộ khớp nhân tạo có xi măng, chuôi khớp sẽ được cố định bằng xi măng sinh học. Nếu là bộ khớp nhân tạo không có xi măng, chuôi khớp sẽ được cố định nhờ 2 yếu tố: 1) Sự nén chặt( Press fit); 2) Sự phát triển của xương mới bám chặt vào chuôi khớp nhân tạo nhờ cấu trúc của bề mặt chuôi và chuôi được phủ 1 lớp đặc biệt kích thích xương phát triển vào.

Bước 6: Lắp chỏm khớp nhân tạo, kiểm tra chiều dài chi và sự vững của khớp. Chỏm khớp nhân tạo có nhiều sự lựa chọn, giúp cho bác sỹ có thể điều chỉnh để có thể đạt được chiều dài chi lý tưởng và khớp vững.

Bước 7: Hoàn tất. Đặt khớp háng nhân tạo, kiểm tra lần cuối cùng sự vững của khớp.

Sau khi đã hoàn tất các việc thay khớp nhân tạo, các bác sỹ có thể sẽ đặt 1 ống dẫn lưu để theo dõi và dẫn lưu dịch máu sau mổ. Việc phục hồi lại các cấu trúc phần mềm theo từng lớp giải phẫu đóng vai trò quan trọng và góp phần tăng cường sự vững chắc của khớp nhân tạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét